Chào mừng đến với Blog của Gia đình Bon

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

TÂM SỰ LÀM BỐ … ! !!

Chao ôi, giá bạn hình dung được niềm hạnh phúc lớn lao khi  được làm bố!Khi trong nhà xuất hiện đứa trẻ, mọi thứ bỗng trở nên khác trước. Cuộc sống của tôi bước sang trang mới, nhiều điều tưởng chừng nhỏ nhặt bỗng chốc trở nên có ý nghiã, mỗi giây phút giờ đây mang lại cho tôi những  niềm vui khôn tả.Cả thế giới giờ đây dường như chỉ xoay quanh đứa trẻ. Nếu bạn có con, bạn sẽ hiểu được điều này. Bạn đứng ở đầu giường, ngắm nhìn sinh linh bé nhỏ và thầm nghĩ “Bao giờ thì con lớn nhỉ? Bao giờ thì bố có thể phạt con đứng úp mặt vào tường đây?”Con yêu ơi, thiên thần của bố ơi! Bố yêu con biết nhường nào!Bên cạnh đứa con, bạn bỗng cảm nhận mọi điều theo một cách hoàn toàn khác. Đôi khi bạn có cảm giác- bạn sẵn sàng đánh đổi mọi của cải trên thế gian này chỉ để có được nụ cười của bé yêu.Có con mọi thứ tất bật thêm một chút, sống trách nhiệm thêm, nhưng được chăm con thấy hạnh phúc biết nhường nào.Tôi được làm bố ở tuổi 30, lứa tuổi ấy với đa số người ở nông thôn thật là muộn màng, còn với giới trẻ như tôi ở thành phố là bình thường, đó là tuổi khá đẹp để làm cha trẻ con. Vì sao? Bạn cứ ngẫm xem, với một người bình thường như tôi, học xong phổ thông là 18 tuổi, 6 năm theo học đại học, cao học rồi ra trường để cần sự ổn định công tác. Lứa tuổi ấy hợp lý với một bộ phận không nhỏ những người trẻ đang sống đúng quy luật như tôi, đúng như thời của tôi, thời 8X ở thế kỷ 21.Chục năm trước khác hẳn, khi cô gái ngấp nghé tuổi 30 đã xem là kém duyên, ế chồng; chàng trai tuổi 30 chưa lập gia đình bị xem là bất bình thường về giới tính. Xã hội thay đổi, cách nhìn con người cũng khác và hướng về thực tế hơn (tất nhiên tôi không phủ định quá khứ vì vào mỗi thời điểm quan niệm của con người cũng khác nhau). Cái gốc của việc lập gia đình là sự ổn định, khi mọi thứ đã ổn thì việc sinh con là lẽ đương nhiên, niềm mong mỏi của không ít người.Tôi có những người bạn lấy nhau gần chục năm rồi vẫn chưa một lần được làm cha mẹ. Vì thế có con thôi đã là niềm hạnh phúc lớn nhất, chỉ cần con khỏe mạnh, không quan trọng đó là trai hay gái, giờ tôi đang sống theo lý tưởng ấy. Cách nay hơn ba tháng, vợ chồng tôi đã đón cậu con trai đầu lòng, nhớ lại phút giây đầu tiên được bế con trong tay, chưa bao giờ trong tôi thôi xúc động. Hình hài một em bé nhỏ nhắn, mong manh, hai mắt mở bé tý, chập chờn thức và ngủ tủm tỉm cười vô thức như một thiên thần, đáng yêu biết nhường nào.Có những lúc đang đêm bé quấy khóc, cả nhà lại lục đục thức giấc để làm trò, hát ru, cho con ăn thêm sữa. Vài lần thành thói quen, cũng thấy hơi mỏi nhưng rồi tôi chợt nghĩ ấy là niềm vui. Không có con làm sao biết được những cảnh như này. Có những hôm bé ngủ từ chập tối đến 4h sáng đã dạy chơi rồi. Thấy bé nằm hiền quá, tôi quay sang hỏi “Con con của bố làm gì dậy sớm thế”, bé tủm tỉm cười. Hỏi lần thứ hai, thứ ba, con vẫn lập lại nụ cười ấy, chắc con đang cần người hóng chuyện. Thế là hai bố con hỏi nhau những chuyện à ơi đến khi trời trở sáng.Có con tính nết tôi cũng dần thay đổi, dù biết có khi đó chỉ là nhất thời. Mỗi lần tan giờ làm ở sở lại thấy muốn về nhà chơi với con ngay tức khắc dù lúc ấy bạn bè đang rủ đi làm vài cốc bia hơi hay ly rượu. Có con, khi mua sắm gì cũng nghĩ đến mua thêm cho con nữa, dù những thứ ấy con chưa dùng được ngay tại thời điểm này. Có con, vợ chồng đều chi tiêu hợp lý hơn vì muốn tiết kiệm một khoản phòng lúc con ốm đau, trở bệnh. Có con mọi thứ tất bật thêm một chút, sống trách nhiệm thêm nhưng được chăm con thấy hạnh phúc biết nhường nào. Cảm giác được làm bố trong đời thật là tuyệt.

GIỮ ẤM ĐỂ PHÒNG BỆNH CHO TRẺ SƠ SINH

Trẻ sơ sinh do cơ thể non yếu, khả năng ổn định thân nhiệt chưa tốt, sức đề kháng kém nên rất dễ nhiễm bệnh vào mùa đông, nhất là các bệnh về đường hô hấp, bệnh về da.
Do đó cha mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ, làm sao đảm bảo cho trẻ đủ ấm nhưng vẫn phải vệ sinh da trẻ sạch sẽ, thoáng khí để tránh các bệnh về da như hăm da, viêm da,…
Trong tử cung của mẹ, thân nhiệt của trẻ luôn được ổn định nhưng ngay sau khi ra đời, trẻ đã bị mất nhiệt bởi nhiệt độ môi trường thấp hơn, nhất là vào mùa lạnh, trong khi khả năng ổn định thân nhiệt của trẻ còn kém. Do vậy, trẻ sơ sinh cần được giữ ấm.
Ngay sau khi sinh, nên cho trẻ nằm cùng mẹ và cho bú càng sớm càng tốt. Cho bé bú mẹ đầy đủ cũng là cách hữu hiệu giữ trẻ ấm. Sữa mẹ giúp trẻ bảo vệ thân nhiệt và chống nhiễm trùng, nâng cao sức đề kháng.
Phòng trẻ nằm phải ấm, đủ ánh sáng thoáng khí, không có gió lùa. Cần mặc quần áo ấm cho trẻ, đội mũ vải mềm, che cả tai, mang tất tay và chân cho trẻ.
Thường xuyên sờ tay chân trẻ, nếu thấy lạnh thì mặc thêm quần áo, đắp thêm chăn, ôm trẻ vào lòng mẹ, cho bú mẹ.
Tiếp xúc da kề da cũng là cách để giữ trẻ không bị lạnh, đặc biệt là trẻ sinh non, trẻ bị hạ thân nhiệt hay khi bạn cần cho trẻ ra ngoài trong khi trời trở lạnh.  
Chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa lạnh phải luôn đảm bảo cho trẻ đủ ấm để tránh mắc các bệnh đường hô hấp nhưng cũng cần phải thường xuyên vệ sinh da cho trẻ để tránh các bệnh về da như hăm da, viêm da, viêm da dị ứng (vì thời tiết lạnh và khô hanh là điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm da dị ứng ở trẻ phát triển), nhiễm trùng rốn,… bằng cách tắm rửa, thay tã lót thường xuyên cho trẻ.
Da trẻ không được vệ sinh sạch sẽ, không thoáng khí, quá trình trao đổi chất của da bị hạn chế sẽ rất dễ bị hăm da, viêm da, hoặc nhiễm trùng rốn nếu băng rốn quá kỹ sẽ tạo môi trường tốt cho vi khuẩn gây nhiễm trùng rốn và chậm rụng rốn.
Trong những ngày trời lạnh cần lau rửa, tắm nhanh cho trẻ bằng nước ấm và ủ ấm ngay sau khi tắm để trẻ không bị nhiễm lạnh. Không nhất thiết phải ngày nào cũng tắm cho trẻ, chỉ nên tắm cho bé khoảng 2 lần/tuần là đủ.
Trước khi tắm cần chuẩn bị đầy đủ quần áo, khăn lau, khăn tắm, xà phòng, nước ấm. Ngay sau khi tắm, cần lau sạch người bé, ủ ấm để bé không bị lạnh. Khi tắm cho trẻ, bạn cần chuẩn bị đầy đủ quần áo, khăn lau, khăn tắm, nước ấm.
Nơi tắm bé phải kín gió, ấm áp. Tắm bé từng phần. Dùng khăn mềm thấm nước ấm lau mắt bé trước, sau đó lau mặt, gội đầu, lau khô đầu. Tiếp đó tắm nửa người trên cho bé, chú ý các nếp gấp cổ, nách, sau gáy, sau đó lau khô.
Tắm tiếp phần dưới cơ thể, chú ý nếp bẹn, vùng hậu môn, sinh dục. Lau khô bé. Mặc quần áo sạch, thoáng, ấm, nhỏ mắt, mũi và lau tai cho bé.
Trẻ sơ sinh thường hay đi tiêu, tiểu nhiều lần, nhất là vào ban đêm. Mỗi lần trẻ tiêu, tiểu phải thay ngay tã lót, rửa sạch phân và nước tiểu bằng nước ấm, lau khô và quấn tã, ủ ấm cho trẻ.

CÁCH CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH VÀO MÙA LẠNH

Việc chăm sóc, giữ ấm cho trẻ nhất là trẻ sơ sinh vào những ngày mùa đông là việc rất quan trọng. Vì bé đang quen với “môi trường” trong bụng mẹ nên khi gặp sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ bé dễ mắc phải một số bệnh liên quan tới đường hô hấp, do đó việc giữ ấm cho trẻ là rất cần thiết.
Cách chăm sóc trẻ sơ sinh vào mùa lạnh
Theo bác sỹ Nguyễn Thanh Hà, Trưởng khoa sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có 3 nguyên tắc để tránh viêm nhiễm là giữ ấm, giữ vệ sinh và cho trẻ bú sữa mẹ.

Giữ ấm cho trẻ

  • Để giữ ấm cho trẻ, cần phải chú ý giữ nhiệt độ trong phòng ấm áp, khoảng 28, 30 độ. Tuyệt đối tránh để gió lùa vào phòng. Cha mẹ cần mặc quần áo ấm cho trẻ, có thể đội mũ vải mềm, mang tất tay và chân. Cho trẻ nằm chung với mẹ. Mẹ ôm trẻ vào lòng sẽ làm tăng tình cảm mẹ con, thân nhiệt trẻ ổn định. Tiếp xúc “da kề da” cũng rất hữu ích để giữ trẻ không bị lạnh, đặc biệt là trẻ sinh non.
  • Đo nhiệt độ trẻ hay sờ tay chân trẻ, nếu thấy lạnh thì bạn nên mặc thêm quần áo, đắp thêm chăn, ôm trẻ vào lòng, cho bú mẹ.

Cho trẻ bú sữa mẹ

Cho bú mẹ đầy đủ cũng là cách hữu hiệu giữ trẻ ấm vì sữa mẹ giúp trẻ bảo vệ thân nhiệt và chống nhiễm trùng, nâng cao sức đề kháng. Bên cạnh việc giữ ấm, cha mẹ cũng phải chú ý thường xuyên vệ sinh da cho trẻ nếu không trẻ rất dễ bị các bệnh về da như hăm da, viêm da, viêm da dị ứng…

Vệ sinh cho trẻ

  • Trẻ sơ sinh đi tiểu nhiều lần, vì vậy vào mùa lạnh, phụ huynh phải thường xuyên kiểm tra tã trẻ, để giữ vệ sinh và tránh cho trẻ bị nhiễm lạnh…
  • Rửa tay là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả phòng nhiễm trùng sơ sinh. Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc bé.
  • “Tắm hàng ngày là việc khó thực hiện, chúng ta có thể tắm một tuần 2 đến 3 lần, nhưng hàng ngày phải chú ý vệ sinh da như các vùng nếp gấp như khuỷu chân, khuỷu tay, cổ, nách hay vùng hậu môn sinh dục”, bác sỹ Nguyễn Thanh Hà cho biết thêm.
  • Khi tắm bé, bạn cần chuẩn bị đầy đủ quần áo, khăn lau, khăn tắm, xà phòng, nước ấm (đổ nước lạnh trước rồi pha nước nóng vào sau), phấn thoa, thuốc nhỏ mắt nhỏ mũi, bông ráy tai. Nơi tắm bé phải kín gió, ấm áp. Chọn xà phòng có độ kiềm thấp, dùng cho sơ sinh.
Cách tắm cho trẻ:
  • Tắm bé từng phần. Dùng khăn mềm thấm nước ấm lau mắt bé trước, sau đó lau mặt, gội đầu, lau khô đầu. Tiếp đến, tắm nửa người trên cho bé, chú ý các nếp gấp cổ, nách, sau gáy, rồi lau khô. Tắm tiếp phần dưới cơ thể, chú ý nếp bẹn, vùng hậu môn, sinh dục.
  • Tắm xong, lau khô, mặc quần áo sạch, thoáng, ấm, nhỏ mắt, mũi và lau tai cho bé. Sơ sinh không nhất thiết phải tắm hàng ngày. Khi trời quá lạnh, bé không dơ quá thì có thể lau cho bé.
  • Rốn là ngõ vào quan trọng gây nhiễm trùng sơ sinh. Bạn chăm sóc rốn hàng ngày với nước muối sinh lý hoặc dùng alcohol 700. Sau khi chăm sóc rốn, bạn nên để hở rốn sẽ làm rốn mau khô, dễ rụng. Quấn tã dưới rốn.
  • Lau mắt bằng khăn mềm, thấm nước ấm. Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.
  • Giữ phòng ấm, thoáng khí, mặc quần áo sạch, thoáng, thay tã khi ướt và tắm trẻ sẽ giữ da trẻ sạch, không nhiễm trùng

CHIÊU “ĐỘC” GIÚP GIỮ ẤM CON BAN ĐÊM

Làm thế nào để con ngủ ngon, thoái mái, không bị lạnh, đặc biệt là mấy hôm nay, khi sau Tết trời bỗng nhiên trở gió?
Để đảm bảo giấc ngủ sâu và sức khỏe cho trẻ ngày hè không khó. Chỉ cần bật điều hòa và đắp cho bé một cái khăn mỏng là ổn thỏa. Vậy nhưng khi mùa đông đến thì mọi việc lại trở nên vô cùng khó khăn. Làm thế nào để con ngủ ngon, thoái mái, không bị lạnh, đặc biệt là mấy hôm nay, khi sau Tết trời bỗng nhiên trở gió? Mình hay áp dụng những mẹo nhỏ này
Trước tiên, hãy cân nhắc nhiệt độ phòng. Nếu để được mức nhiệt độ phòng hợp lý khi ngủ, mẹ sẽ bớt rất nhiều nỗi lo về nguy cơ bé bị cảm lạnh hay sốt đêm. Nhiệt độ phòng lý tưởng cho em bé là từ 16-20 độ. Đối với người lớn, mức nhiệt này có vẻ hơi lạnh. Nhưng nghiên cứu cho thấy, đây là nhiệt độ an toàn và thoải mái để trẻ ngủ ban đêm. Các nhà khoa học cũng không khuyến khích mẹ bật máy sưởi cả đêm. Tuy nhiên, nếu trời quá lạnh, ta có thể sử dụng máy sưới vài tiếng để làm ấm phòng. Mình luôn sử dụng nhiệt kế để đảm bảo phòng ngủ của hai mẹ con đang ở mức nhiệt hợp lý.
Chiêu "độc" giúp giữ ấm con ban đêm - 1
Để trẻ ngủ ngon ban đêm mẹ cần lưu ý về nhiệt độ phòng (ảnh minh họa)
Tắm cho con trước khi ngủ cũng là một mẹo rất hay mà tôi học được. Bất kể là mùa đông hay hè, mình đều cho con tắm nước ấm rất nhanh để làm nóng cơ thể. Mình có đọc được một bài báo cho biết, tắm buổi tối không chỉ giúp bé cảm thấy ấm áp, dễ chịu mà còn là dấu hiệu để luyện cho trẻ biết đã đến giờ đi ngủ và ngủ được sâu hơn. Đương nhiên, khi tắm cho con xong, mẹ cần nhanh chóng lau khô người, thay bỉm mới và mặc đồ ngủ cotton thoáng cho trẻ ngay sau đó. Thường mình hay cho bé ngủ ngay khoảng 30 phút đến một tiếng sau khi tắm.
Việc đắp chăn cho trẻ vào ban đêm cũng khiến rất nhiều bà mẹ “đau đầu”. Mình cũng từng như vậy bởi trẻ nhỏ rất hay đạp chăn ra khi ngủ và nếu ủ quá kỹ, bé có thể bị thấm ngược mồ hôi gây phản tác dụng. Vì đã để nhiệt độ phòng ở mức hợp lý nên khi con đi ngủ đêm, mình thường cho bé mặc một bộ đồ liên thân có size hơn rộng hơn so với kích thước bình thường. Như vậy, tay chân của bé sẽ không bị thò ra ngoài và bị lạnh vào ban đêm. Đồ liền thân cũng giúp che bụng bé rất hiệu quả. Nếu mặc đồ rời, đối với quần, một mẹo nhỏ cho mẹ, đó là chọn loại quần liền tất hoặc quần có ống bo gấu sẽ kín gió hơn.
Kinh nghiệm cuối cùng, đó là bôi một chút dầu khuynh diệp  vào ngực, lòng bàn chân, bàn tay, và trước mũi cho con trước khi đi ngủ. Dầu khuynh diệp sẽ giúp trẻ tránh bị cảm lạnh, ho gió trong những ngày đông.
Tuy nhiên, dù đã áp dụng mọi mẹo và kinh nghiệm, chị em cũng đừng bao giờ chủ quan. Hãy luôn nhớ kiểm tra lưng, bụng và gáy của bé thường xuyên để xem con có bị quá lạnh hay nóng toát mồ hôi không. Tay và chân của trẻ thường lạnh hơn người và không phải là vị trí thích hợp để kiểm tra thân nhiệt chính xác cho con.
Nguồn: http://eva.vn/lam-me/chieu-doc-giup-giu-am-con-ban-dem-c10a168485.html

TRẺ SƠ SINH BỊ HO

Ở trẻ sơ sinh, khi bị đau bé không thể tự nói được, cha mẹ phải biết cách phân biệt các chứng bệnh để biết cách mà điều trị cho bé.
Trong đó căn bệnh ho cũng không ngoại lệ. Sau đây là một số kiến thức về căn bệnh  ho ở trẻ sơ sinh, mà các bậc cha mẹ có thể tham khảo.
Ho là cách cơ thể làm thông đường hô hấp, tống đờm dãi hoặc thức ăn mắc lại trong cổ họng ra ngoài, không cho nước mũi chảy ngược vào cổ họng. Và theo giải thích của Howard Balbi  Giám đốc trung tâm các bệnh truyền nhiễm ở trẻ  Nassau County ( Mỹ ) ho thực chất là một cách tự vệ của cơ thể tự vệ. Ho có 2 kiểu:
 Ho khan:  Kiểu ho này giúp dọn sạch dịch mũi và sự khó chịu từ cổ họng sưng, xảy ra khi bé bị lạnh hoặc dị ứng.
 Ho sâu:  Ho thường đi kèm theo đờm hoặc dịch mũi (chứa cả tế bào bạch huyết chống khuẩn hình thành trong đường thở của trẻ), bắt nguồn từ một bệnh hô hấp nào đó kèm với sự nhiễm khuẩn.
 Đối với trẻ dưới 1 tuổi thì chuyện ho ít đáng báo động vì nguyên nhân chủ yếu là do lạnh. Nhưng còn đối với trẻ dưới 4 tháng tuổi ho nhiều là vấn đề đáng báo động, vì thường vào mùa đông trẻ sẽ ho rất nhiều nguyên nhân có thể là do virus hô hấp hợp bào (RSV) nguy hiểm.
Sau đây là các kiểu ho giúp bạn có thể phân biệt  kiểu nào là theo dõi kiểu nào là xử lý khẩn cấp:
Cúm hay chỉ cảm lạnh thường
Cảm lạnh thường
Nghẹt và chảy nước mũi
Sưng họng (Âm thanh nghe khô khan)
- Các triệu chứng khác: tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh, trẻ có thể có: Nước nhầy rớt, sốt nhẹ về đêm.
- Cách trị: cho trẻ uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Có thể dùng máy làm ẩm khí để giúp bé dễ thở hơn. Cho dù bạn nóng lòng muốn trẻ bớt ho, nên hỏi bác sĩ trước khi dùng.
Trẻ có thể bị cúm nếu thân nhiệt của trẻ trên 37C  và có vẻ trông mệt mỏi, khi đó phải gọi ngay bác sĩ. Trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi khi bị sốt nhẹ cũng nghiêm trọng vì thế cần gọi ngay bác sĩ khi trẻ bị sốt.
tre-so-sinh-bi-ho-1-chamsocmevebe.vn
Bệnh bạch cầu thanh quản
Đặc điểm của bệnh này là bé thức dậy nửa đêm, ho sâu và khó thở. Bé dưới 5 tuổi thường bị ảnh hưởng bệnh này, và triệu chứng của bệnh là cảm lạnh và sổ mũi vào sáng sớm.
- Âm thanh giống như ho sâu
Bệnh bạch cầu thanh quản thường là do nhiễm virus làm cho niêm mạc khí quản sưng lên và nghẹt đường thở. Đây là nguyên nhân khiến trẻ khó thở. Khi trẻ hít vào (không phải lúc thở ra) bạn sẽ nghe thấy tiếng ho của trẻ bị đặc kín.
Cách trị:
-  Cần cho bé bình tâm
-  Mở vòi hoa sen, đóng cửa nhà tắm và cho bé thở trong không khí đầy hơi nước.
-  Nếu là nửa đêm, đưa bé ra ngoài, không khí ẩm sẽ làm cho con dễ thở hơn.
-  Cho trẻ thở không khí từ máy làm ẩm khí
Bệnh bạch cầu thanh quản sẽ hết trong khoảng 3-4 ngày, nếu không đỡ thì cần gọi bác sĩ.
Bệnh viêm phổi
Bệnh xảy ra khi phổi bị nhiễm khuẩn thường nguy hiểm hơn và thủ phạm thường là khuẩn strep pneumonae, hoặc virus do một số bệnh mang lại,  kể cả cảm lạnh thường.
- Tiếng ho nghe sâu và có đờm
- Các triệu chứng khác: trẻ rất mệt và dễ ho, nhìn mọi thứ đều có sắc xanh và vàng.
Nếu bé bị sốt cần gọi ngay bác sĩ.
Nguồn: Chamsocmevabe.vn

NGHE TIẾNG HO, ‘BẮT BỆNH’ CHO BÉ

Xin mách mẹ cách ‘giải mã’ 7 loại bệnh từ tiếng ho của trẻ.
Bất cứ bà mẹ nào cũng cảm thấy căng thẳng và lo lắng khi con mình bị ho, nhất là những cơn ho dai dẳng và khiến không ít chị em  cồn cào như lửa đốt vào giữa đêm. Những tiếng khò khè cùng hơi thở nặng nhọc của con là nỗi ám ảnh của các bà mẹ. Tuy nhiên, nếu mẹ biết cách theo dõi và lắng nghe các cơn ho của bé, rất có thể sẽ phát hiện sớm căn bệnh đang có trong cơ thể con mình để điều trị cho bé kịp thời.
Bệnh hen, suyễn
Lắng nghe tiếng ho: Cơn ho của bé dai dẳng kèm theo những tiếng rít khẽ và khò khè, có thể đã kéo dài hơn 10 ngày và trở nên tệ hơn vào ban đêm hoặc có biểu hiện dị ứng với phấn hoa, thời tiết lạnh, lông hoặc mùi động vật, bụi bẩn và khói.
Những biểu hiện khác: Bé thở nhanh, gấp và tiếng thở bị khô, khò khè
Thủ phạm chính: Hen, suyễn thường là bệnh mãn tính, kinh niên khi đường hô hấp trao đổi không khí với lá phổi bị thu hẹp, có khi bị sưng làm đường thông khí bị tắc nghẹt, tạo nên các chất nhầy và co thắt, khiến trẻ thở khó khăn hơn. Những yếu tố chủ yếu gây nên căn bệnh này bao gồm những tác động của môi trường, vi khuẩn lây lan và trong quá trình vận động của trẻ. Theo các bác sỹ trẻ em, trẻ nhiễm căn bệnh này thường có lá phổi rất nhạy cảm.
Mẹ nên làm gì: Theo các bác sỹ trong trường hợp bị hen suyễn nhẹ thì cơn ho dai dẳng là biểu hiện duy nhất của căn bệnh này. Các mẹ hãy cho bé đi khám để có được cách trị bệnh khoa học và dứt điểm. Mẹ đừng quên nói với bác sỹ trong trường hợp trong gia đình có người đã có tiền sử căn bệnh này hay các loại bệnh dị ứng khác nhé, vì rất có thể đó cũng là nguyên nhân khiến bé bị bệnh đấy.
Nghe tiếng ho, 'bắt bệnh' cho bé - 1
Đưa con đi khám bác sĩ là cách tốt nhất khi bé yêu bị hen suyễn (ảnh minh họa)
Viêm tiểu phế quản
Lắng nghe tiếng ho: Cơn ho của bé có đờm, khò khè và thường kéo theo hơi thở nhanh, nông và khó khăn.
Những biểu hiện khác: Bệnh có thể bắt đầu bằng các triệu chứng của cảm lạnh như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi trong vòng một tuần, sau đó có cơn sốt khoảng 39,4 độ C, bé ngủ lịm đi và thở ra tiếng khò khè
Thủ phạm chính: Nguyên nhân của bệnh viêm tiểu phế quản do nhiễm trùng đường hô hấp nhỏ phía dưới phổi gọi là tiểu phế quản. Virus hợp bào hô hấp là thủ phạm chính gây nên tình trạng nhiễm trùng trên và thường những con virus đáng ghét này tác oai tác quái vào thời điểm cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Các mẹ đừng nên nhầm lẫn với bệnh viêm phế quản ở người lớn và trẻ em lớn hơn nhé, trẻ sơ sinh và trẻ đang tập đi hay bị nhiễm căn bệnh viêm tiểu phế quản này.
Mẹ nên làm gì: Các mẹ hãy gọi bác sỹ ngay hoặc đưa con đi khám khi phát hiện thấy bé khó thở và không muốn ăn uống gì. Trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản cần được nhập viện để điều trị bằng khí oxygen. Nếu bé chỉ bị viêm nhẹ (chỉ ho khò khè mà không bị khó thở), các mẹ có thể đặt thêm máy phun sương trong phòng ngủ của con để giúp trẻ long đờm trong phổi và đảm bảo rằng bé uống đủ nước.
Cảm lạnh
Lắng nghe tiếng ho: Bé ho ướt (ho có đờm, sặc nước bọt) nhưng hơi thở không bị khô, khò khè, thở nhanh bất kể ngày hay đêm
Những biểu hiện khác: Hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, và có khi sốt nhẹ (nhiệt độ thường là 38,6 độ C)
Thủ phạm chính: Bệnh cảm lạnh thường do tác động của vi khuẩn lây nhiễm qua đường mũi, viêm xoang, cổ họng và đường hô hấp chính của phổi. Cơn ho thường kéo dài với cả đợt cảm lạnh của bé (thông thường từ 7 đến 10 ngày), cũng có trường hợp kéo dài hơn gấp đôi nhưng bệnh lại giảm nhẹ từng ngày.
Mẹ nên làm gì: Trong trường hợp này các mẹ hãy cố gắng giữ cho mũi của bé luôn được sạch và thông thoáng nhé. Chứng tắc mũi, nghẹt mũi hay bị nhỏ giọt có khi còn làm bệnh nghiêm trọng hơn. Với trẻ sơ sinh hay các bé đang tập đi chưa thể tự xì mũi, các mẹ hãy nhỏ nước muối sinh lý và giúp con hút các chất bẩn trong mũi, nước mũi ra bằng cách dùng ống hút mũi theo hướng dẫn của bác sỹ nhé. Các loại thuốc thông mũi có thể được sử dụng cho trẻ hơn 2 tuổi nhưng các mẹ nên tham khảo ý kiến của các bác sỹ trước khi cho con dùng thuốc, vì có thể bé bị viêm xoang (bệnh do vi khuẩn gây nên trong thời tiết lạnh) hoặc các căn bệnh khác như hen, suyễn hay bị viêm họng đấy.
Nghe tiếng ho, 'bắt bệnh' cho bé - 2
Bé bị cảm lạnh có thẻ uống một chút siro trị ho của trẻ nhỏ (ảnh minh họa)
Viêm tắc thanh quản
Lắng nghe tiếng ho: Tiếng ho chát chúa, khô khốc và khác biệt so với các cơn ho khác và thường bắt đầu vào buổi đêm. Tiếng ho của trẻ bị viêm tắc thanh quản không giống như bất cứ một cơn ho bình thường nào mà các mẹ biết.
Những biểu hiện khác: Căn bệnh này của trẻ thường trở nên tệ hơn vào ban đêm và đỡ hơn vào ban ngày, bé có thể bị sốt nhẹ. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn mặt bé tím lại, hơi thở gay gắt và có tiếng the thé khi bé hít vào, hơi giống với tiếng rít khi trẻ khóc thét lên.
Thủ phạm chính: Bệnh viêm tắc thanh quản do virus lây lan gây bệnh khiến cho cổ họng và khí quản bị sưng và thu hẹp lại. Phần lớn trẻ em từ sáu tháng đến ba tuổi rất dễ nhiễm căn bệnh này.  Ở người lớn và trẻ em mẫu giáo khí quản rộng hơn nên khi bị sưng ảnh hưởng ít hơn lên nhịp thở.
Mẹ nên làm gì: Mẹ hãy ngồi với con trong phòng tắm ướt khoảng 5 phút. Độ ẩm ướt lúc này sẽ giúp bé long đờm trong phổi và kiềm chế cơn ho cho bé. Ban đêm nếu nhiệt độ trở lạnh các mẹ hãy ủ ấm bé trong chăn và mặc quần áo dài cho bé nhưng tuyệt đối đừng đóng kín cửa nhé, hãy để cửa sổ mở và không khí tràn vào phòng để giúp đường hô hấp của bé đỡ sưng hơn. Hãy gọi ngay bác sỹ nếu thấy bé có biểu hiện xấu hơn hoặc thở ngày càng nặng nhọc hơn. Rất có thể bác sỹ sẽ phải cho bé uống thuốc để giảm sự viêm nhiễm. Các mẹ lưu ý căn bệnh này thường chỉ kéo dài 3-4 ngày thôi nhé.
Cảm cúm
Lắng nghe tiếng ho: Bé bị khản giọng, ho khan hoặc ho ướt không phân biệt ngày hay đêm
Những biểu hiện khác: Mẹ thấy bé bơ phờ, mệt mỏi và bé than cổ họng bị rát, như có gì đang lạo xạo trong họng và thấy đau đầu, đau lưng hay đau chân. Bé bị sổ mũi, sốt và có khi lại thấy buồn nôn.
Thủ phạm chính: Cảm cúm do virus gây ra thường trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Mười một hàng năm
Mẹ nên làm gì: Mẹ hãy gọi bác sỹ ngay nếu con sốt hơn 38,6 độ C, bé có biểu hiện bị tiêu chảy và không muốn ăn uống gì. Bác sỹ sẽ cho mẹ các cách để tránh cho bé bị mất nước. Mẹ cố gắng cho bé uống thật nhiều nước và sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng để giảm bớt sự tắc nghẽn ở đường hô hấp của con nhé. Ngoài ra để ngăn ngừa căn bệnh này các mẹ hãy đưa con đi tiêm phòng hàng năm, tốt nhất cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 23 tháng, độ tuổi rất dễ lây nhiễm căn bệnh này.
Trào ngược dạ dày thực quản
Lắng nghe tiếng ho: Tiếng ho khàn, khò khè, lách cách đứt quãng và bé ho dai dẳng sau khi ăn xong. Cơn ho thậm chí trở nên tệ hơn khi bé nằm xuống.
Những biểu hiện khác: Bé cảm thấy nóng rát và buồn nôn hoặc ợ khi nuốt xuống. Ở những bé sơ sinh có thể bị đau bụng và khó chịu, ở những bé lớn hơn đang tập đi có thể dần hình thành một thói quen ăn uống cầu kỳ vì hay bị trào ngược khi ăn xong.
Thủ phạm chính: Trào ngược dạ dày (hay còn gọi là GERD – gastroesophageal reflux disease) là căn bệnh gây nên do cơ giữa thực quản và dạ dày của bé còn yếu, dẫn đến axit bị chảy ngược lại. Đôi khi các loại nước kích thích có thể xâm nhập vào phổi và gây ra các cơn ho mãn tính ở trẻ.
Mẹ nên làm gì: Mẹ hãy đưa bé đi khám nếu cơn ho khò khè kéo dài hơn 2 tuần. Bác sỹ sẽ khuyên các mẹ nên giữ cho bé ngồi thẳng ít nhất 30 phút sau khi ăn, để bé gối cao đầu trong lúc ngủ. Với những trẻ lớn hơn các mẹ không nên cho con ăn một số loại thức ăn có khả năng làm bệnh nặng hơn như nước uống có ga, có caffein, socola, bạc hà, đồ ăn cay như pizza, các loại quả có axit như cam, cà chua hay các loại đồ ăn nhanh nhiều chất béo, đặc biệt không được ăn trong vòng 2 tiếng trước khi đi ngủ. Uống thuốc theo toa kê của bác sỹ cũng có thể làm giảm căn bệnh này.
Ho gà
Lắng nghe tiếng ho: Tiếng ho khan, khô khốc và rất nhanh, có cảm giác như 25 lần ho trong một lần thở vậy. Khi bé hít vào mạnh tạo nên âm thanh the thé như tiếng gà.
Những biểu hiện khác: Trước khi bị ho gà bé có triệu chứng của bệnh cảm lạnh nhưng không sốt. Ở trẻ sơ sinh bệnh có thể trở nặng và gây ra niêm mạc bong bóng từ lỗ mũi của bé. Khi bé quá mệt có thể dẫn tới hiện tượng co giật và ngừng thở.
Thủ phạm chính: Vi khuẩn lây nhiễm khiến cho cổ họng, khí quản và phổi của bé bị viêm gây nên căn bệnh ho gà. Trẻ em chưa được tiêm chủng phòng ngừa căn bệnh này có khả năng bị nhiễm nhiều hơn. Thường trẻ em được tiêm chủng lúc 2 tháng, 4 tháng và 6 tháng, tiêm mũi tiếp theo trong khoảng từ 12 đến 18 tháng và được nhắc lại trong độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi. Sau này hệ miễn dịch dần suy yếu khi mỗi người già đi, vì thế có cả trường hợp người lớn bị mắc bệnh ho gà.
Mẹ nên làm gì: Mẹ hãy gọi ngay bác sỹ nếu con có biểu hiện xấu hơn. Trẻ em bị ho gà cần được nhập viện để bác sỹ kiểm chế cơn ho và hút đờm từ cổ họng cho bé. Căn bệnh này thường được trị bằng thuốc kháng sinh và có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí cả tháng trời.
Hương Quỳnh (babyzone) (Khampha.vn)